Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban Giám sát cũng băn khoăn dòng tín dụng này phải xem lại vì đang chảy nhiều vào bất động sản, mặc dù vốn trong lĩnh vực này năm nay chỉ tăng 12% (năm ngoái tăng 28%).
Hình minh hoạ |
Cần tránh vốn đi vào bất động sản
Tại hội thảo, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Trương Văn Phước cho biết cơ quan này đánh giá cao chính sách tiền tệ trong năm 2016 với việc giữ ổn định lạm phát.Theo ông Trương Văn Phước, nhìn dưới góc độ tiền tệ, năm 2016 đã có độ nới lỏng, mức đó rất cần thiết, M2 tăng khoảng 13% (năm 2015 là 10%).Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%, trong mấy tháng cuối năm lãi suất đã giảm nhiều theo chỉ đạo của Chính phủ và nỗ lực của ngành ngân hàng, tuy nhiên lãi suất huy động vẫn ở mức cao trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng. Đó là chưa kể trong đầu năm 2017 tới, tỷ lệ an toàn theo chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cũng buộc các tổ chức tín dụng nghiêng về việc huy động vốn dài hạn.Về thị trường ngoại hối, với việc tăng tỷ giá trung tâm 1%, dự trữ ngoại hối đến nay đạt khoảng 40 tỷ USD, ông Phước cho rằng đây là thành công trong chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam.Lãnh đạo Ủy ban Giám sát cũng cho biết, cơ cấu nguồn vốn huy động đã có chuyển biến tốt. Huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp tăng 3%, làm giảm đi vốn vay mượn qua lại giữa các ngân hàng với nhau. Chính vì lẽ đó, việc chưa tăng vốn chủ sở hữu làm cho cơ cấu vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn giảm xuống.
Trong tổng nguồn vốn, năm ngoái 100 đồng có 7 đồng vốn chủ sở hữu thì nay chỉ còn 6,6 đồng. Về tài sản có, năm ngoái tổng vốn cung ứng cho nền kinh tế là 73% nay tăng lên 78%... cho thấy hệ thống ngân hàng đã tăng lượng vốn sử dụng trong nền kinh tế.Về tín dụng, ước tính tín dụng năm nay tăng 18-19%, Ủy ban Giám sát cho rằng mức này là tương đối lớn, việc phân bổ vốn hợp lý và thực chất hơn. Tuy nhiên lãnh đạo Ủy ban này cho rằng phải xem lại tín dụng cho vay bất động sản, mặc dù trong năm nay chỉ tăng 12% (năm ngoái tăng 28%) nhưng tín dụng tiêu dùng lại tăng gần 40%, trong đó có một nửa liên quan đến mua nhà ở.
"Nhìn tổng thể có chuyển biến tích cực trong việc phân bổ vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng phải lưu ý vốn đi vào bất động sản để tránh bong bóng như những năm trước," ông Phước lưu ý.
Đối với nợ xấu, hệ thống ngân hàng dự tính sẽ xử lý khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó nợ chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với liều lượng ít hơn năm ngoái, chỉ chiếm khoảng 20%. Phần còn lại, các ngân hàng sẽ phải tự xử lý thông qua thu đòi nợ hoặc bán bớt tài sản...Mức sinh lời của toàn hệ thống ngân hàng năm nay ước khoảng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nợ xấu nhiều nên các nhà băng phải trích lập 70.000 tỷ đồng nên số lợi nhuận sau thuế ước chừng còn khoảng 40.000 tỷ đồng. Số còn lại là các chi phí cho thấy nợ xấu vẫn là một gánh nặng.Còn nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy thì cho rằng, cách xử lý nợ xấu hiện nay vẫn cần phải cân nhắc lại. Theo ông Thúy, quan điểm không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, nợ xấu của ngân hàng thương mại vốn Nhà nước là không hợp lý.
GDP năm 2017 có thể đạt 6,7%
Báo cáo của NFSC cũng cho rằng, tác động tiêu cực của kinh tế thế giới trong năm 2016 đến kinh tế Việt Nam như: kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên theo NFSC, tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Thị trường chứng khoán tăng gần 20%; vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%.
Chủ tịch NFSC Vũ Viết Ngoạn đánh giá, một trong những điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo lạm phát ổn định.
Dự báo cho năm 2017, NFSC cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Nhờ vậy, khu vực này sẽ trở thành động lực chính của năm 2017 do giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi. Do đó, NFSC dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.
Tuy nhiên, NFSC chỉ rõ nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trước hết từ môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định; TPP bị trì hoãn thông qua: giá năng lượng và hàng hóa chủ chốt vẫn còn biến động thất thường; chính sách tiền tệ phi truyền thống của các nền kinh tế lớn còn có thể dẫn đến những diễn biến khó lường đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài./.
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét