Bến xe lương yên đóng cửa liệu có chấm dứt tình trạng HUNG THẦN xe khách trên QL 5

Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn phải di chuyển bến xe số 3 Lương Yên. Việc di dời bến xe này khi diễn ra có làm xáo trộn thị trường vận tải và ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân hay không vẫn là vấn đề rất nóng. Tuy nhiên, dư luận kỳ vọng rằng sự thay đổi này sẽ chấm dứt tình trạng xe khách đầu gấu lộng hành trên Quốc lộ 5.

Bến xe số 3 Lương Yên trước khi di dời


Nỗi lo “di tản”

Bến xe Lương Yên trước đây khi ra đời là một giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng quá tải tại các bến xe trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, ít ngày nữa, bến xe Lương Yên sẽ phải chấm dứt hoạt động. Toàn bộ các hãng vận tải từng hoạt động tại bến xe này sẽ phải di dời phương tiện sang địa điểm khác được đề cập hiện tại là 3 bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa và Gia Lâm.
Bến xe Lương Yên trước đây thuộc về Công ty TNHH một thành viên lương thực Lương Yên. Bến xe này hoạt động theo mô hình xã hội hóa khi mục đích sử dụng của khu đất trên 10.200m2 vốn dành cho khu xay xát lương thực không còn phù hợp. Khi Tổng công ty lương thực Miền Bắc tiến hành xây dựng các khu nhà ở, thương mại tổng hợp vào cuối năm 2011 thì phần diện tích dành cho bến xe này dần dần bị thu hẹp.
Sau nhiều lần được yêu cầu dừng hoạt động và chuyển giao đất, các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải địa phương đã làm đơn kiến nghị UBND TP Hà Nội lùi thời hạn. Sau thời điểm được ấn định là năm 2013, thời điểm 26/7/2016 sắp tới được cho là hạn chót của việc di dời bến xe này.
Để thực hiện di dời, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra hai phương án. Một là điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố. Phương án 2 sẽ điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ Bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận.

Hành khách đi lại thế nào?


Theo thông tin mới nhất từ Sở GTVT Hà Nội, dựa trên các tiêu chí và nguyên tắc sắp xếp, Sở đã xây dựng các phương án điều chuyển cho các hãng vận tải như sau:
Cụ thể, bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 162 lượt xe/ngày các tuyến của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa và TPHCM.
Bến xe Gia Lâm tiếp nhận tổng số 133 lượt xe/ngày các tuyến của các tỉnh gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, huyện An Lão, Hải Phòng (không đi qua TP. Hải Phòng).
Bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 51 lượt xe/ngày, gồm các tuyến của các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai.
Việc điều chuyển này đặc biệt được người dân quan tâm và lo lắng bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các hành khách phải thường xuyên đi lại ở tuyến cũ tại bến Lương Yên.
Ông Vũ Đức Hoàng, phó TGĐ công ty xe khách Hoàng Long nhận định: “Với những người dân thường đi qua bến Lương Yên, có thể thấy rất rõ sẽ gặp nhiều khó khăn vì thói quen đi lại của người dân chắc chắn sẽ bị xáo trộn. Thay vì ra Lương Yên thì giờ họ sẽ phải di chuyển sang Gia Lâm xa hơn. Điều này sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề khác như việc số lượng người dân sẽ đồ dồn sang bến xe Gia Lâm nhiều hơn. Rõ ràng nó còn là cả vấn đề giao thông nữa”.
Còn với người dân, những người trực tiếp phải thay đổi thói quen đi lại hàng ngày sau khi bến xe Lương Yên chính thức di dời, câu chuyện di chuyển sang một bến xe khác thực sự là vấn đề không nhỏ. Rõ ràng, mặc dù ủng hộ chủ trương của Thành phố và Sở GTVT Hà Nội nhưng với những hành khách quen thuộc của bến xe Lương Yên thì việc tìm một cách đi lại thuận tiện hơn, dễ dàng hơn, thuận đường hơn rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới số lượng hành khách của các hãng vận tải.


Nỗi lo ùn tắc giao thông và an ninh trật tự

Việc xảy ra ách tắc giao thông tại bến xe Lương Yên trước đây là chuyện khó tránh khỏi vào giờ cao điểm. Các phương tiện ra vào khu vực bến thường xuyên gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái cũng như khu vực đầu đường Trần Khát Chân. Tuy nhiên, sắp tới vấn đề này sẽ được giải quyết khi bến xe này bị di dời.
Thực tế, trong phương án di dời các hãng vận tải tại Lương Yên sang các bến xe khác là góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái nhưng chắc chắn sẽ tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên chuyển sang là điều khó tránh khỏi.
Trước câu hỏi về vấn đề dễ xảy ra tình trạng các xe dù lợi dụng lúc chuyển bến sẽ gây mất trật tự, an toàn giao thông ở các tuyến mới, ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Sở GTVT đã lường trước được việc này và đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra Sở Giao thông cùng các lực lượng chức năng liên quan sẽ khắc phục tối đa các hiện tượng đó.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Định, PGĐ công ty Cổ phần Xe khách Hải Phòng chia sẻ: “Chuyển về bến xe mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Tôi cho rằng, cách làm của Sở GTVT Hà Nội cơ bản hợp lý bởi nếu dồn tất cả vào một bến thì sẽ xảy ra rất nhiều hệ luỵ từ vấn đề giao thông như ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm và cao hơn là tới việc cạnh tranh của các hãng vận tải.
Do đó, việc cho phép các hãng vận tải được chọn hai bến là khá hợp lý. Nhưng chắc chắn phải tính đến cả vấn đề áp lực giao thông ở các bến mới bởi nếu không chúng ta chỉ đẩy nạn ách tắc từ nơi này sang nơi khác mà thôi”.
Trước đó, Dân trí đã có nhiều kỳ báo điều tra thông tin về tình trạng xe khách đầu gấu lộng hành trên Quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Đây từng là thực trạng vô cùng nhức nhối, không chỉ “bóp chết” các hãng vận tải làm ăn chân chính mà còn de dọa sự an toàn của chính hành khách và gây ra những ẩn họa khôn lường về tai nạn giao thông. Các đối tượng côn đồ của các hãng xe “đầu gấu” bất chấp pháp luật và hành xử theo kiểu xã hội đen khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Không chỉ vậy, những đối tượng côn đồ này còn trắng trợn thách thức cả cán bộ công nhân viên bến xe Lương Yên, nơi quản lý về mặt hành chính của chính những hãng xe này.
Theo báo cáo tình hình an ninh trật tự tại bến xe Lương Yên của Ban giám đốc bến xe thì các đối tượng côn đồ núp bóng nhân viên các doanh nghiệp vận tải trong bến còn thách thức, hành hung, đánh gây thương tích cả cán bộ công nhân viên bến xe Lương Yên khi cán bộ bến xe kiên quyết nhắc nhở các đối tượng vi phạm nội quy bến.
Với việc di dời bến xe Lương Yên, dư luận đang hy vọng tình trạng xe khách côn đồ sẽ bị loại bỏ và an toàn cho hành khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ được đảm bảo.

Theo dân trí

Xuân Ngọc

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét